Rất nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở tỉnh Đắk Lắk quan tâm đến cơ hội trúng tuyển vào các trường ĐH, CĐ tại địa phương để đỡ chi phí
Sau nhiều ngày chờ đợi, đúng 14 giờ ngày 15-2, chương trình Đưa trường học đến thí sinh lần thứ 13, do Báo Người Lao Động tổ chức, đã khai mạc tại Trường THPT Lê Quý Đôn, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk với sự tham dự của hơn 2.000 học sinh (HS) . Chương trình được tài trợ của Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền và sự đồng hành của nhiều trường ĐH, CĐ. Trước giờ khai mạc, hàng trăm HS từ các trường THTP: Cao Bá Quát, Chu Văn An, Dân lập Phú Xuân đã kéo về sân Trường THTP Lê Quý Đôn để tham gia chương trình. Ảnh hưởng bởi chính sách ưu tiên Với hàng loạt đổi mới trong kỳ thi ĐH, CĐ năm 2014, ngay những giây phút đầu tiên của chương trình, hàng loạt câu hỏi “nóng” đã đặt ra cho ban tư vấn. Theo TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TP HCM, tuy cơ bản vẫn tổ chức “3 chung” nhưng kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014 có một số điểm mới quan trọng cần lưu ý, trong đó có việc tuyển sinh riêng. “Ngày 10-3, Bộ Giáo dục và Đào tạo mới công bố danh sách các trường tổ chức thi riêng. Trước mắt, cả nước có 10 trường thuộc khối văn hóa nghệ thuật sẽ tổ chức thi riêng” - TS Nghĩa lưu ý. Học sinh THPT TP Buôn Ma Thuột đặt câu hỏi với TS Trần Đình Lý, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm TP HCM Ảnh: CAO NGUYÊN Năm nay, TS Nghĩa đặc biệt lưu ý HS khu vực Tây Nguyên về việc điều chỉnh ưu tiên tuyển sinh theo khu vực và đối tượng. Theo đó, trước đây, tất cả HS thuộc khu vực Tây Nguyên xếp vào khu vực 1 nên được cộng 1,5 điểm thì nay, chỉ những HS theo Quyết định 30 của Chính phủ mới được xếp vào khu vực I. Cho nên, chắc chắn không ít HS thuộc TP Buôn Ma Thuột sẽ mất điểm ưu tiên. Trước đây, HS có cha mẹ là người dân tộc thiểu số được xếp vào khu vực I nhưng theo quy chế mới thì cha mẹ cũng phải cư ngụ tại khu vực I mới được hưởng điểm ưu tiên. Ngoài ra, HS tại Đắk Lắk khi thi vào các trường tại TP HCM thì phải dự thi tại TP. “Năm 2103, tỉnh Đắk Lắk có rất đông HS dự thi (trên 40.000 HS), cứ 6 em thi ĐH thì có 1 em thi CĐ. Vì vậy, các em nên cân nhắc giữa các ngành, các trường để thi vì chỉ tiêu ĐH không nhiều” - TS Nghĩa nhắc nhở. Quan tâm ngành nhiều cơ hội Rất nhiều HS có hoàn cảnh khó khăn tại tỉnh Đắk Lắk quan tâm đến cơ hội trúng tuyển vào các trường tại địa phương để đỡ chi phí. HS Trần Phương Thúy (lớp 12A13 Trường THPT Lê Quý Đôn) hỏi cơ chế tuyển sinh vào Trường CĐ Sư phạm Đắk Lắk và ngành sư phạm tiểu học như thế nào? ThS Phạm Đức Long, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Sư phạm Đắk Lắk, cho biết năm 2014, trường dành 1.000 chỉ tiêu cho 11 ngành sư phạm. Trong đó, ngành giáo dục tiểu học không thi riêng mà lấy kết quả thi ĐH trong cả nước để xét tuyển. Với các ngành sư phạm, trường chỉ tuyển thí sinh có hộ khẩu thường trú tại Đắk Lắk và không phải đóng học phí. Nhiều câu hỏi của HS tập trung vào các trường và ngành học cụ thể mà các em quan tâm. HS Phan Thị Điền Nha (Trường THPT Dân lập Phú Xuân) hỏi: “Để học chương trình bằng tiếng Anh, Trường CĐ Quốc tế PSB xét tuyển hay thi tuyển, thi đầu vào có tiếng Anh không?”. Bà Võ Thị Hồng Hải, đại diện Trường CĐ Quốc tế PSB, cho biết trường chỉ xét tuyển với yêu cầu HS tốt nghiệp THPT, nếu học chương trình bằng tiếng Anh thì phải có trình độ tiếng Anh nhất định. Tuy nhiên, nhà trường có chương trình tiếng Anh dự bị cho HS muốn xét tuyển vào trường. Một HS hỏi về chương trình đào tạo chất lượng cao của Trường ĐH Ngân hàng, ThS Trương Tiến Sỹ, Trường ĐH Ngân hàng TP HCM, cho biết đây là năm thứ 2 trường tuyển sinh hệ đào tạo chất lượng cao. Năm nay, có 300 chỉ tiêu đào tạo chất lượng cao với nguyên tắc tuyển sinh là phải trúng tuyển vào trường trong kỳ thi 2014. HS Nguyễn Văn Sang, Trường THPT Lê Quý Đôn, thắc mắc: ĐHQG TP HCM có ngành y đa khoa, điểm khác so với ngành y của các trường khác? TS Nghĩa cho biết ngành y đa khoa thuộc Khoa Y, ĐHQG TP HCM, đào tạo 6 năm theo chương trình của Bộ Y tế, chương trình đào tạo được cập nhật theo chương trình của các trường y ở châu Âu. Đại diện Trường ĐH Tây Nguyên bổ sung Trường ĐH Tây Nguyên cũng có khối ngành y, dược, đa khoa, lâm nghiệp. Hãy theo đuổi đam mê HS Nguyễn Thị Thu Hiền (lớp 12A4 Trường THPT Lê Quý Đôn) hỏi: “Bây giờ người ta không chuộng khối C nữa, vậy ban tư vấn có thể cho biết chọn trường gì để phù hợp?”. ThS Huỳnh Quốc Phong, Giám đốc Trung tâm Tư vấn hướng nghiệp Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, cho rằng rất nhiều ngành nghề cần khối C như Trung Quốc học, Hàn Quốc học, Nhật Bản học và các em hãy tiếp tục theo đuổi đam mê. Một số HS thắc mắc về ngành sân khấu điện ảnh, quay phim, ThS Hoàng Đức Bình, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông Trường ĐH Hoa Sen, cho biết với một số ngành đặc thù thì cần liên hệ trực tiếp với các trường để biết mẫu hồ sơ. Băn khoăn chọn ngành Rất nhiều câu hỏi cho thấy HS lớp 12 vẫn còn rất băn khoăn về việc chọn ngành, chọn nghề. TS Trần Đình Lý, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm TP HCM, cho biết để có sự lựa chọn ngành, nghề phù hợp, HS cần quan tâm đến 3 câu hỏi: Chúng ta sẽ phù hợp với ngành nào, lĩnh vực nào; học ngành nào để phù hợp với tố chất đó và thi vào trường nào để phù hợp với các ngành này. “Mong các bạn xác định công tác hướng nghiệp là cực kỳ quan trọng và phân biệt giữa thích với phù hợp, lượng sức mình để tránh lãng phí” - TS Lý tư vấn. Một nữ sinh thắc mắc rằng có phải học ngành triết ra trường không kiếm được việc làm và nếu không quen biết thì rất khó xin việc? PGS-TS Đặng Vũ Ngoạn, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM, cho biết ông bà ta có câu “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”, không ai giỏi ở ngành nghề của mình mà phải thất nghiệp. Nhiều học sinh nghèo được nhận học bổng Tại chương trình, Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền đã trao 10 suất học bổng và Trường Quốc tế PSB trao 3 suất học bổng trị giá 1 triệu đồng/suất cho HS có hoàn cảnh khó khăn, đạt kết quả học tập tốt tại 4 trường THPT tham gia chương trình. Ngoài ra, nhiều phần quà ý nghĩa đã được trao cho các HS có câu hỏi hay. |