[Xã hội-Báo Người cao tuổi] - Kỉ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2014): Kì I: Vùng đất lịch sử dày đặc chiến tích

Suốt mấy thế kỉ qua, bà con các dân tộc Điện Biên đã cùng nhân dân Tây Bắc chống lại bọn thực dân, phong kiến, giành quyền sống cho mình. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, nhân dân Điện Biên đoàn kết xung quanh Hồ Chủ tịch, Đảng và Chính phủ, kháng chiến chống thực dân Pháp và bè lũ tay sai, góp phần cùng quân dân cả nước, làm nên một Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Giờ đây, vùng đất “Máu và hoa” Điện Biên san sát những di tích lịch sử: Từ Him Lam sang đồi Độc Lập, tới Bản Kéo, lên đồi A1, C1, D1, đồi E… qua cầu Mường Thanh sông Nậm Rốm đến hầm Đờ Cát-xtơ-ri; ấy là chưa nói tới Đường kéo pháo, Bảo tàng Điện Biên, Nghĩa trang liệt sĩ Điện Biên Phủ.

Những năm qua, quần thể Di tích Lịch sử Điện Biên Phủ được tôn tạo và xuất hiện một số công trình mới, quan trọng. Đầu tiên phải kể tới việc bảo tồn, tôn tạo Di tích Cứ điểm đồi A1, với tổng diện tích 81.500 m2. Nơi đây đã diễn ra trận chiến đấu ác liệt; ta và địch giành nhau từng tấc đất. Bộ đội đã đào hầm, đưa gần một tấn thuốc nổ đánh tung phần lớn công sự, lô cốt của địch trên đồi vào lúc 20 giờ 30 phút ngày 6/5/1954. Đây là hiệu lệnh tổng công kích của Bộ Chỉ huy Chiến dịch cho các đơn vị trên chiến trường Điện Biên Phủ. Đỉnh đồi A1 còn vết tích hố bộc phá và căn hầm cố thủ của những tên địch ngoan cố.


Tượng đài chiến thắng Mường Phăng.

Công trình Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ trên đồi D1 gồm: Quảng trường trung tâm, có cổng chào cao 4,5 mét. Phù điêu đại cảnh tái hiện tinh thần “Quyết chiến, quyết thắng” của quân, dân ta. Tổng chiều dài phù điêu, kể cả khung là 75 mét và chiều cao 10,35 mét. Trục hành lễ có chiều dài 178,97 mét; chiều rộng 12,6 mét, gồm 318 bậc thang, trải qua ba chiếu nghỉ, tượng trưng cho ba đợt tiến công của quân đội ta trong Chiến dịch Điện Biên Phủ; hai bên là 56 cột đá, tượng trưng 56 ngày, đêm đạn lửa. Ngoài ra, còn có các tuyến đường dạo, các điểm vọng cảnh, tạo cảnh quan đẹp cho công trình.

Ở công trình bảo tồn, tôn tạo Di tích Đường kéo pháo và trận địa có cụm tượng kéo pháo bằng tay dài 24 mét, rộng 8 mét, cao 12,5 mét, nặng 1.200 tấn bằng chất liệu đá xanh, mô phỏng cảnh bộ đội kéo pháo bằng tay vào trận địa phía Bắc Điện Biên Phủ trên tuyến đường dài gần 40km. Nơi đây những dấu chân bộ đội ta kéo pháo vượt núi cao hiểm trở được tôn tạo lại; có bia tưởng niệm Anh hùng liệt sĩ Tô Vĩnh Diện, người hi sinh thân mình để cứu pháo.

Ngoài ra còn có các công trình: Cầu qua sông Nậm Rốm, nối từ đường 279 đến điểm đầu của đường kéo pháo, với chiều dài 67,8 mét. Đường vào nơi đặt hỏa tiễn H6 (có 6 khẩu hỏa tiễn 6 nòng được trưng bày), dài 95,99 mét; trận địa pháo 105mm, cùng hệ thống công sự, hầm pháo, hầm chỉ huy, hầm đạn, hào giao thông…

Công trình Tượng đài công viên chiến thắng Mường Phăng thuộc xã Mường Phăng, huyện Điện Biên có cụm tượng gồm 102 tấm đá ghép, nặng khoảng 800 tấn với 25 nhân vật; cao bình quân 2,7 mét; có 6 lá cờ, cao 9 mét, thể hiện biểu tượng các quân chủng, binh chủng tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ và các lô-gô đại diện các lực lượng phòng thủ của thực dân Pháp. Tượng có chiều rộng 3 mét, dài 21 mét, điểm cao nhất là 8 mét, đế tượng cao 1,2 mét, hình tượng Đại tướng Võ Nguyên Giáp đứng giữa đọc lá thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh; các nhân vật đại diện các đơn vị tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ đứng xung quanh, vui mừng với chiến thắng vĩ đại. Sáu cụm tượng xây dựng bằng đá xanh Thanh Hóa; được chế tác và tạc tại xã Ninh Văn, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình.

Công trình tôn tạo, phục chế trận đánh Him Lam thể hiện sức mạnh công phá của pháo binh Việt Nam dội xuống trận địa này trong trận mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ ngày 13/3/1954. Bốn tám hầm cổ thủ, 3km hào và 7 lớp hàng rào dây thép gai của địch bị pháo binh của ta dập cho tơi tả được phục chế, thể hiện dấu tích bị ta đánh phá.

Những công trình bảo tồn, tôn tạo và xây dựng mới ở Điện Biên Phủ là công sức, tiền của đóng góp của nhân dân địa phương và cả nước.

Trong những ngày chuẩn bị kỉ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Ban chỉ đạo và Ban tổ chức tỉnh Điện Biên làm việc “hết công suất” để giải quyết một khối lượng lớn công việc. Với địa phương, việc tổ chức lễ kỉ niệm là một việc lớn được Đảng, Nhà nước rất quan tâm và chỉ đạo sát sao. Chiến thắng Điện Biên Phủ mãi mãi là niềm tự hào của nhân dân Điện Biên và cả nước. Bởi vậy, dù khó khăn đến đâu, nhân dân các dân tộc ở đây, phát huy truyền thống anh hùng, đoàn kết, đẩy mạnh các hoạt động theo kế hoạch để khẳng định ý nghĩa lịch sử vĩ đại ấy.

Giờ đây, ở phường Mường Thanh, Tân Thanh, các khu vực lân cận, các khu du lịch Noong Bun, Pa Khoang, Hưa Pha, Trung tâm Thể thao – Thương mại, nhà ga sân bay và Trung tâm Hội nghị – văn hóa… rộn ràng, tấp nập, chuẩn bị cho ngày Đại lễ 7/5/2014. (Còn nữa)

Ghi chép của Nhà văn Chi Phan