[Xã hội-Báo Biên phòng] - Keo Đồn hồi sinh

Trở lại bản biên giới Keo Đồn, xã Chiềng On, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La, nơi một thời là "thủ phủ" của cây thuốc phiện cùng với các tệ nạn xã hội khác, nhưng giờ đây, ngay trên mảnh đất này, đã và đang có sự hồi sinh mạnh mẽ.

Quá khứ nhuốm màu khói trắng

Lật giở từng trang ghi chép, nét mặt Thiếu tá Đào Quang Huy, Đội phó Đội vận động quần chúng, Đồn BP Chiềng On, BĐBP Sơn La, người đã hơn 20 năm gắn bó với dân bản thoáng buồn, giọng trầm hẳn: Trước đây, có thời điểm, nhiều người dân ở bản Keo Đồn lén lút trồng cây thuốc phiện. Số con nghiện trong toàn bản lên tới 60 người. Nhà nào cũng có người nghiện, có nhà 2 đến 3 người nghiện thuốc phiện, kèm theo đó là nhiều hủ tục làm cho người dân nơi đây vốn đã nghèo lại càng bi đát hơn. Trước trực trạng đó, Ban chỉ huy Đồn BP Chiềng On rất trăn trở, làm thế nào để từng bước triệt phá cây thuốc phiện, loại bỏ được những tập tục lạc hậu vốn từ lâu đã ăn sâu vào nếp nghĩ, cách làm của người dân" - Thiếu tá Huy tâm sự.

Khó nhưng không thể không làm, đó cũng là quyết tâm của những người lính Đồn BP Chiềng On. Cho đến nay, cán bộ, chiến sĩ BĐBP vẫn chẳng thể quên những ngày đầu đơn vị được cấp trên giao nhiệm vụ phối hợp cùng các lực lượng chức năng triển khai kế hoạch xóa bỏ cây thuốc phiện. Thực tế cho thấy, đây là một vấn đề không hề đơn giản. Nhiều người già ở bản Keo Đồn ví việc này còn khó hơn cả việc "bạt núi cao, lấp suối sâu". Thiếu tá Đào Quang Huy nhớ lại những lần cùng anh em trong Đội vận động quần chúng xuống từng bản "4 cùng" với bà con, tuyên truyền tác hại khôn lường của việc trồng cây thuốc phiện, thuyết phục bà con thay cây thuốc phiện bằng nhiều cây trồng, vật nuôi khác để giúp bà con thoát nghèo. Ban đầu, bà con bằng lòng, nhưng một số chưa thật tin vẫn lén lút lên núi trồng và tiêu thụ cây thuốc phiện. Mưa dầm thấm lâu, bằng trách nhiệm và tình cảm của những người lính quân hàm xanh đối với đồng bào và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, bà con dân bản hiểu ra và đã hợp tác cùng với BĐBP đi phá bỏ cây thuốc phiện. Ông Sồng Lao Nụ, Trưởng bản Keo Đồn nhớ lại: "Thời gian đầu, có người vẫn tỏ ra lo lắng, nhưng nhờ được tuyên truyền đúng, bà con đã ưng cái bụng, chỉ trong thời gian ngắn, mọi người hiểu ra rằng, tiêu diệt được cây thuốc phiện là loại bỏ được cái xấu. Đối với người Mông mình, có thời điểm, chẳng ai tin có ngày "đoạn tuyệt" với cây thuốc phiện và "nàng tiên nâu". Thế mà, nhờ có BĐBP, bà con đã làm được! Như thế là đã tận diệt được cái xấu rồi".

Ở Chiềng Khương, trước đây, người Mông có thói quen làm chuồng trâu, chuồng lợn, khu vệ sinh ngay sát nhà nên rất mất vệ sinh và dễ gây ra dịch bệnh..., ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng. Khi BĐBP xuống tuyên truyền, họ nhất định không nghe và nói rằng, đã từ bao đời nay, tổ tiên họ vẫn làm như vậy, làm xa sợ con ma rừng sẽ về bắt mất. Với phương châm "đi từng ngõ, gõ từng nhà", không nản chí, các anh đã kiên trì vận động bà con, bắt đầu từ nhà các già làng, trưởng bản, đồng thời trực tiếp cử người xuống giúp đỡ các gia đình chuyển khu vệ sinh và chuồng trại ra xa khu nhà ở. Thấy bộ đội không quản nắng mưa giúp dân, nhiều người dân trầm trồ với nhau khen: "Cán bộ biên phòng không ăn cơm của bản mà chỉ lo cho mọi người, sao nó tốt thế, phải nghe theo bộ đội thôi". Người nọ bảo người kia, hiểu được cái lý của cán bộ biên phòng là đúng và làm theo.

Cán bộ, chiến sĩ BĐBP Sơn La giúp dân phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất.

Giúp bà con bằng cả tấm lòng

Ánh mắt nhìn xa như thể nhớ về những ngày vất vả đã qua, Phó Chủ tịch UBND xã Chiềng On, Sồng Lạc Dìa chia sẻ: "Chủ trương phá bỏ hoàn toàn cây thuốc phiện ở Chiềng On gặp không ít khó khăn, bởi từ bao đời nay, đồng bào Mông nơi đây vốn quen với tập tục canh tác cũ. Ban đầu nhiều người không tin giống lúa, giống ngô bộ đội đưa về là trồng tốt, nuôi tốt hơn giống của đồng bào, nhưng nhờ sự tận tâm tận lực của cán bộ biên phòng nên người dân đã hiểu ra và làm theo".

Nắm được tâm lý, tập tục ấy, những người lính mang quân hàm xanh hiểu rằng, dù có tuyên truyền, vận động nhiều đến đâu, nhưng chưa có mô hình thực tế thì đồng bào chưa tin. Cán bộ, chiến sĩ Đồn BP Chiềng On đã trực tiếp xuống tận bản cùng làm với bà con, cầm tay chỉ việc cho bà con cách thức gieo trồng ngô bằng kỹ thuật mới, thay thế cách thức gieo trồng cũ "chọc lỗ" của đồng bào; hướng dẫn bà con đào hố nọ cách hố kia 50cm, bón lót phân lân, lấp lớp đất mỏng, gieo 2 hạt/hố rồi lấp. Làm như vậy vừa tiết kiệm được giống, vừa tạo khoảng cách cho cây ngô sinh trưởng tốt, ra bắp to. Những người lính ở Đồn BP Chiềng On cũng nói với người dân rằng: Việc bón lót là rất cần thiết, vì đất ở các triền đồi đã bạc màu, cần bổ sung chất mùn cho cây ngô phát triển. Sau 4 tháng gieo trồng, năng suất ngô thu hoạch đạt 4,5 tấn/ha, gấp 3 lần so với giống cũ, cách thức gieo trồng cũ của bà con dân bản.

Hiệu quả từ các "hội nghị đầu bờ" giúp dân bằng những việc làm cụ thể đã giúp bà con nơi đây dần thay đổi tư duy trong sản xuất, tạo bước tiến đáng kể trong việc thay đổi bộ mặt nông thôn mới ở Chiềng On. Sự đổi thay trong cuộc sống của người dân bản Keo Đồn từ chỗ 100% số hộ đều thuộc diện nghèo, đói, giờ đây, toàn bản với 62 hộ dân, gần 200 nhân khẩu, chỉ còn trên 10 hộ nghèo, không còn hộ đói. Thượng tá Đào Anh Tuấn, Chính trị viên Đồn BP Chiềng On tâm sự: "Đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, hạn chế về nhận thức, nên họ rất cần sự "cầm tay chỉ việc" hướng dẫn họ, thấy được hiệu quả thì họ sẽ nghe và làm theo, từ đó, công tác tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước sẽ được người dân hưởng ứng nhiệt tình. Đến nay, đồng bào dân tộc thiểu số bản Keo Đồn đã có ý thức, trách nhiệm hơn trong việc cùng cán bộ, chiến sĩ Biên phòng chung sức bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, giữ vững an ninh chính trị, ổn định trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới ".

Chiềng On giờ đây đang đổi mới khiến người ta có một cái nhìn khác về tư duy và nhận thức mới của đồng bào. Nhiều hủ tục đã được loại bỏ, không còn gia đình nào lén lút trồng cây thuốc phiện. Sự đổi thay của bản Keo Đồn hôm nay không thể không nhắc đến sự chung tay góp sức của những người lính quân hàm xanh nơi biên cương xa xôi của Tổ quốc.

Vũ Hằng