Bà xã tôi có bầu con so được 7 tháng. Tôi rất thương bà xã nên muốn khi cô ấy sinh con sẽ có mặt bên cạnh để động viên tinh thần. Thế nhưng có một chuyện rất tế nhị khiến tôi băn khoăn.
Số là tôi có một anh bạn, năm nay 32 tuổi, vợ anh cũng mới sinh con đầu lòng chừng 1 năm. Vốn nổi tiếng yêu vợ nên anh ấy đã đăng ký dịch vụ có mặt bên cạnh vợ lúc vượt cạn. Ai cũng khen anh ấy là “đàn ông đích thực”. Thế nhưng được một thời gian thì râm ran tin đồn anh bạn tôi bị… bất lực. Tìm hiểu kỹ thì quả là có như vậy. Cuối cùng anh bạn tôi cũng thú nhận là có chuyện đó. Tận mắt chứng kiến cảnh vợ “banh da, xẻ thịt” để đẻ con cho mình, anh quá kinh hãi, sau đó anh bị ám ảnh nên mất hẳn hứng thú sinh hoạt vợ chồng, dần dần bị… liệt luôn. Tôi rất sợ đến lượt mình cũng như vậy thì nguy nhưng đã hứa với vợ mà không thực hiện thì sợ cô ấy giận, còn nếu như giữ lời mà sau đó… tiêu luôn thì sao? thanhminh…@gmail.com Bạn thân mến, Trường hợp bị ảnh hưởng tâm lý dẫn đến mất khả năng quan hệ tình dục như bạn của anh không phải hiếm. Thường đó là những cú sốc tâm lý rất nặng nề khiến mỗi khi nhớ lại người ta thấy sợ hãi, các dây thần kinh cảm giác gần như tê liệt hoàn toàn. Ảnh minh họa Ông bạn của anh có lẽ hơi… yếu đuối. Chính vì vậy nên khi tận mắt chứng kiến cảnh tượng vợ mình đang “xẻ thịt, banh da”, đang đau đớn kêu la; rồi thì cảnh đứa trẻ lọt lòng với máu me đầm đìa… anh ấy đã sợ hãi, thậm chí có thể còn cho rằng mình chính là thủ phạm đã gây ra tất cả những đau đớn đó của vợ. Cảm giác có lỗi đã khiến cho anh ấy không còn ham muốn chuyện gần gũi vợ chồng. Nói như vậy không có nghĩa là ai chứng kiến cảnh ấy cũng bị khủng hoảng tinh thần. Ngược lại, nhiều người càng yêu thương, đối xử tốt hơn sau khi hiểu rõ những nhọc nhằn, hiểm nguy, đau đớn mà vợ mình phải trải qua. Có thể nói không ngoa rằng phụ nữ là những người tuyệt vời nhất khi họ chấp nhận nếm trải mọi vất vả, nhọc nhằn, hiểm nguy để những người đàn ông của họ có được hạnh phúc làm chồng, làm cha. Vì vậy, chuyện các anh muốn thể hiện tình yêu thương; sự quan tâm, chia sẻ với người bạn đời của mình cũng là điều đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, như đã nói, nếu thấy thần kinh mình không vững thì có thể biểu hiện sự quan tâm bằng những hành động khác chứ không nhất thiết phải có mặt bên cạnh lúc các chị lâm bồn. Thật ra thì ngàn đời nay, các chị, các mẹ đã quen “đi biển một mình”, huống hồ gì bây giờ y học tiến bộ rất nhiều nên những rủi ro, tai biến sản khoa cũng đã giảm đáng kể. Sự có mặt của các đức ông chồng chỉ có giá trị về tinh thần, tuy nhiên nếu sau khi chứng kiến bà xã mình vượt cạn mà các anh bị khủng hoảng tinh thần đến độ… tiêu luôn thì e rằng lợi bất cập hại; không có mặt thì vẫn tốt hơn là có mặt mà “xôi hỏng, bỏng không”. Trường hợp của anh, nếu quyết định có mặt bên cạnh bà xã lúc sinh con thì nên có sự chuẩn bị kỹ càng. Từ bây giờ, anh phải tìm hiểu tài liệu, phim ảnh về quá trình sinh nở của phụ nữ; hỏi ý kiến bác sĩ để được tư vấn… Ý kiến của cá nhân tôi trong trường hợp này là nếu những người phụ nữ vẫn bình thản giong buồm ra khơi, còn các đấng mày râu chỉ đứng nhìn đã thấy sợ thì… còn ra cái thể thống gì? Theo Người Lao động |