Chuyện vô tiền khoáng hậu này xảy ra ở huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Để được nhận trợ cấp tử tuất một lần với số tiền hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng, một số người đang tâm khai tử cha mẹ mình để trục lợi.
Luật bảo hiểm xã hội (BHXH) quy định người lao động tham gia đóng BHXH đủ 15 năm trở lên chưa hưởng BHXH một lần; người đang hưởng lương hưu; người lao động chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; người hưởng trợ cấp tai nạn lao động, tai nạn nghề nghiệp hằng tháng với mức suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên... khi chết thì thân nhân (theo quy định) được hưởng chế độ tử tuất hằng tháng. Trong trường hợp không còn thân nhân hưởng trợ cấp hằng tháng thì được hưởng chế độ tử tuất một lần, hay còn gọi là “tuất một cục”. Vì thế mới có chuyện khai tử cả người đang sống... Được con cho “chết” Cô Nguyễn Thị Lệ Thanh , giáo viên Trường THCS thị trấn Quán Hành (huyện Nghi Lộc ), bị bạo bệnh qua đời. Bà Hồ Thị Mau , mẹ chồng cô Thanh (hiện trú tại xã Hợp Thành, huyện Yên Thành ) là người được hưởng trợ cấp tử tuất hằng tháng. Thế nhưng trên hồ sơ lại thể hiện bà Mau đã chết nên gia đình xin được hưởng chế độ tử tuất một lần với số tiền hơn 98 triệu đồng. Chúng tôi tìm về xóm 5, xã Hợp Thành để gặp bà Hồ Thị Mau. Bà nói: “Tôi không nhận bất kỳ chế độ gì của con dâu cả, chỉ có tiền tuất của chồng tôi, mỗi tháng 460.000 đồng mà thôi. Tôi cũng không biết việc con trai khai là tôi chết để nhận tiền tuất một lần của vợ nó”. Anh Đỗ Hữu Vinh , con trai bà Mau, hiện trú tại khối 3, thị trấn Quán Hành, không hề chối cãi việc anh khai mẹ mình chết để nhận chế độ tử tuất một lần. “Phải làm như thế thì người ta mới cấp tiền cho một lần” - anh Vinh giải thích. Anh Vinh cũng tiết lộ: “Khi làm hồ sơ, người ta nói muốn lấy tiền một lần thì phải khai bà chết rồi”. “Người ta là ai?” - tôi hỏi. Anh Vinh từ chối trả lời: “Tôi không thể nói được”. Ở xã Nghi Ân (TP Vinh), bà Nguyễn Thị Như (tên thường gọi là bà Văn) đang sống khỏe mạnh ở xóm Kim Tân nhưng cũng được khai là đã chết. Bà Như có con dâu là Hoàng Thị Thành (trú tại xã Nghi Hưng, Nghi Lộc) qua đời, thay vì bà được người nhà làm chế độ trợ cấp hằng tháng, họ lại khai bà chết để nhận chế độ một lần với số tiền lên đến 130 triệu đồng. Ngoài bản khai theo mẫu của cơ quan bảo hiểm, ông Phạm Xuân Văn , con trai bà Như, còn “chu đáo” làm cả bản sao giấy chứng tử cho mẹ mình. Trao đổi với chúng tôi, ông Văn nói: “Do hoàn cảnh gia đình túng quẫn nên tôi tự ý làm việc này, thật tình không ai muốn làm giấy khai tử khi mẹ đang sống”. Cũng như ông Văn, bà Cù Thị Thành , cán bộ phòng tài vụ Bệnh viện Đa khoa huyện Nghi Lộc, “khai tử” cho cả mẹ ruột và mẹ chồng. Theo bà Thành, chồng bà là ông Nguyễn Trung Trực , cán bộ Công ty Quản lý đường sắt Nghệ Tĩnh , bị bệnh nặng qua đời. Do hoàn cảnh khó khăn nên bà phải nhờ người đi xin bản sao giấy chứng tử của mẹ đẻ và mẹ chồng nhằm hoàn chỉnh hồ sơ tử tuất một lần để lãnh số tiền gần 98 triệu đồng. Bà cho biết bản sao giấy chứng tử cho mẹ mình thì xin ở phường Nghi Hương, thị xã Cửa Lò , còn giấy cho mẹ chồng, xin ở xã Đức Lập, huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh). Bà Nguyễn Thị Hảo - phó chủ tịch Hội phụ nữ xã Nghi Trung (Nghi Lộc) - khai bố mẹ chồng là ông Nguyễn Xuân Phác và bà Võ Thị Mợi chết để nhận hơn 87 triệu đồng tiền tử tuất, khi chồng bà là ông Nguyễn Xuân Nông qua đời. Bà Hảo cho rằng thấy nhiều người khai như thế để làm chế độ nên đã xin phép bố mẹ chồng cho bà khai hai người đã chết. Tuy nhiên, bà Võ Thị Mợi lại khẳng định không hề biết gì về việc con dâu làm. Khi ông Nguyễn Đình Nhuần ở xã Nghi Khánh qua đời, cô Nguyễn Thị Hảo - giáo viên Trường tiểu học Nghi Tân, thị xã Cửa Lò - đến UBND xã Nghi Khánh xin xác nhận bản khai hưởng chế độ tử tuất. Phần khai về nghề nghiệp của bà Phùng Thị Tuyết (mẹ cô Hảo), thân nhân hưởng trợ cấp, để trống. Sau khi chủ tịch xã ký xác nhận vào bản khai, cô Hảo mới điền thêm vào hai chữ “đã chết” để được nhận gần 100 triệu đồng chế độ tử tuất. Tại xã Nghi Thạch, hai bà Hoàng Thị Tấn và Hoàng Thị Dực , mẹ đẻ và mẹ vợ ông Nguyễn Ngọc Phúc đang sống sờ sờ, cũng được khai đã chết để gia đình hưởng chế độ “tuất một cục”. Có sự tiếp tay? Ông Phạm Huy Thông , chủ tịch UBND xã Nghi Ân, thừa nhận: “Đúng là tôi có ký bản sao giấy chứng tử cho bà Nguyễn Thị Như, tên thường gọi là bà Văn. Nhưng là do cán bộ tư pháp tham mưu, trình lên ký, còn mình không thể biết hết được. Cán bộ tư pháp có giải trình do thấy ông Phạm Xuân Văn, con trai bà Như, trực tiếp đi làm giấy tờ nên tin là bà đã chết”. Tương tự, ông Đậu Khắc Trung , phó chủ tịch UBND phường Nghi Hương, người cấp bản sao giấy chứng tử cho bà Nguyễn Thị Hồng, mẹ vợ ông Nguyễn Trung Trực, nói: “Cán bộ tư pháp tham mưu, trình ký thì mình ký thôi”. Chủ tịch UBND xã Nghi Trung Phan Thế Hưng , người chứng tờ khai cho bà Nguyễn Thị Hảo, nói: “Tôi không đọc hồ sơ nên không biết nội dung, tôi tin chị Hảo là phó chủ tịch Hội phụ nữ xã nên ký”. Dù ký xác nhận vào tờ khai của thân nhân, trong đó có nội dung mẹ đẻ và mẹ vợ của ông Nguyễn Ngọc Phúc đều đã chết để gia đình hưởng chế độ tử tuất một lần, nhưng ông Đặng Thế Hưng - phó chủ tịch UBND xã Nghi Thạch - vẫn một mực nói: “Tôi chỉ ký vào tờ khai chứ không ký giấy khai tử cho người đang sống”. Trong khi đó, ông Hoàng Anh Sơn - cán bộ BHXH huyện Nghi Lộc, người tiếp nhận và để “lọt lưới” các hồ sơ vi phạm nói trên - lại khẳng định: ông không hướng dẫn, bày vẽ cho ai khai sai lệch hồ sơ để trục lợi tiền BHXH, nguyên nhân do thiếu sâu sát nên không phát hiện những thông tin thiếu trung thực trên hồ sơ xin hưởng trợ cấp một lần. Theo Thành An |