[Giáo dục -VOV Online] - Các Sở GD-ĐT kiến nghị: Thi tốt nghiệp THPT 4 môn

VOV.VN-Đa số ý kiến cho rằng, thi tốt nghiệp THPT năm nay nên thi 4 môn, gồm 2 môn bắt buộc Toán và Ngữ văn và 2 môn do thí sinh tự chọn.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển vừa cho biết, kết thúc Hội nghị quán triệt và triển khai Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục diễn ra 13/2, Bộ đã lấy ý kiến của 45 Giám đốc Sở GD-ĐT và xin ý kiến rộng rãi trong toàn xã hội. Hầu hết các Sở GD-ĐT đưa ra ý kiến và thống nhất là kỳ thi thi tốt nghiệp THPT nên là 4 môn.
Đa số ý kiến cho rằng, việc tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm nay nên thi 4 môn, gồm 2 môn bắt buộc Toán và Ngữ văn; 2 môn do thí sinh tự chọn trong số các môn: Vật lí, Hóa học, Sinh học, Địa lí và Lịch sử.
Ngoài ra, học sinh có thể đăng kí thi môn Ngoại ngữ (đề thi theo chương trình 7 năm hiện hành) để được cộng điểm khuyến khích vào điểm xét tuyển tốt nghiệp. Theo đó điểm khuyến khích được tính như sau: Bài thi môn Ngoại ngữ được 9,0 điểm trở lên được cộng 2 điểm, đạt 7 điểm trở lên được cộng 1,5 điểm, đạt 5 điểm trở lên được cộng 1 điểm.


Vào tháng 3/2014, thí sinh sẽ biết chính xác tổng số môn thi cũng như môn Ngoại ngữ có là môn tự chọn hay khuyến khích trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014

Việc công nhận và xếp loại tốt nghiệp được thực hiện theo Quy chế thi, được xác định như sau: Điểm xét tốt nghiệp = Điểm trung bình 4 bài thi + Điểm trung bình cả năm lớp 12/2 + Tổng điểm khuyến khích (nếu có) / 4. Điểm xếp loại tốt nghiệp = Điểm trung bình 4 bài thi + Điểm trung bình lớp 12/2. Trước đó, Bộ GD-ĐT đã lấy ý kiến rộng rãi trong dự luận xã hội về Dự thảo 2 phương án thi tốt nghiệp THPT có thể áp dụng trong năm 2014. Theo đó, phương án 1, thí sinh thi 4 môn gồm: 2 môn thi bắt buộc (Toán và Ngữ văn), 2 môn do thí sinh tự chọn trong số các môn: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý và Lịch sử.

Học sinh có thể đăng ký môn Ngoại ngữ (đề ra theo chương trình 7 năm hiện hành) để được cộng điểm khuyến khích vào điểm xét tốt nghiệp (ĐXTN). Dự kiến, bài thi môn Ngoại ngữ đạt 9,0 điểm trở lên được cộng 2,0 điểm; đạt 7,0 điểm trở lên được cộng 1,5 điểm; đạt 5,0 điểm trở lên được cộng 1,0 điểm.

Phương án 2: Thí sinh thi tốt nghiệp THPT gồm 5 môn: 3 môn thi bắt buộc (Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ); 2 môn do thí sinh tự chọn trong số các môn: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý và Lịch sử.

Với môn Ngoại ngữ, thí sinh thuộc hệ giáo dục thường xuyên và thí sinh giáo dục THPT không học hết chương trình hiện hành hoặc có khó khăn về điều kiện dạy học sẽ được tự chọn một môn thi thay thế trong số các môn: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý và Lịch sử sao cho không trùng với 2 môn tự chọn nói trên.

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết, sau khi trưng cầu ý kiến của đông đảo dư luận xã hội và đại diện Sở GD-ĐT các tỉnh, thành, Bộ GD-ĐT sẽ thống nhất phương án thi khả thi nhất cũng như số lượng môn thi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014. Dự kiến, vào tháng 3/2014, học sinh cả nước sẽ biết chính xác phương án và tổng số môn thi cuối cùng cũng như coi môn Ngoại ngữ là môn thi tự chọn hay khuyến khích cộng điểm cho thí sinh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay./.

Bích Lan/VOV online


[Giáo dục -Thanh Niên] - Tư vấn mùa thi đến với học sinh Đồng Nai

(TNO) Sáng 15.2, chương trình Tư vấn mùa thi 2014 do Báo Thanh Niên phối hợp cùng Bộ GD-ĐT đã lên sóng trực tiếp trên sóng Đài Phát thanh - truyền hình Đồng Nai.


Học sinh vỗ tay trước những câu hỏi hay và phần trả lời hài hước của chuyên gia

Gần 2.000 học sinh lớp 12 tham gia tư vấn tại chỗ và hàng chục ngàn học sinh, phụ huynh theo dõi qua sóng truyền hình.

Chương trình Tư vấn mùa thi sáng nay đã diễn ra rất sôi động, câu hỏi tập trung vào rất nhiều vấn đề: khối thi, ngành nghề, quy chế…

Kết thúc chương trình tư vấn, học sinh còn được các trường ĐH-CĐ tư vấn tại gian hàng với nhiều thông tin về học bổng, chỉ tiêu tuyển sinh…

Trong dịp này, Báo Thanh Niên cũng đã tặng hơn 2.000 phiếu trắc ngiệm ngành nghề và đĩa CD luyện thi cho học sinh.

Sáng mai, chương trình sẽ tiếp tục trực tiếp tại tỉnh Bình Phước vào lúc 8 giờ 30.



Học sinh thích thú với tài liệu trắc nghiệm ngành nghề do Báo Thanh Niên tặng





Đông đảo học sinh đến dự buổi tư vấn




Học sinh tư vấn tại các gian hàng của các trường ĐH-CĐ

Minh Luân
Ảnh: Đào Ngọc Thạch


[Giáo dục -VOV Online] - Hàng chục trường ở Bắc Hà phải nghỉ học vì rét

VOV.VN-Đợt rét đậm, rét hại lần đã khiến cho hơn 20 trường học trên địa bàn huyện Bắc Hà, từ bậc mầm non đến THCS phải nghỉ học.

Những ngày vừa qua, không khí lạnh tăng cường đã làm cho nhiệt độ tại huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai hạ xuống rất thấp. Ở trung tâm huyện, nhiệt độ dao động từ 7-8 độ C, còn khu vực vùng cao, nhiệt độ giảm xuống còn 2 độ C, ban đêm hạ xuống 0 độ C và mặt nước xuất hiện lớp băng mỏng. Nhiều trường học trên địa bàn huyện đã phải cho học sinh nghỉ học để tranh rét.

Tại trường Tiểu học thị trấn Bắc Hà gần 1 tuần nay, công tác dạy và học của nhà trường đã bị ảnh hưởng rất nhiều bởi đợt rét đậm, rét hại kéo dài. Đến ngày 14/2, nhiệt độ tại trường vẫn rất thấp còn 7 độ C, nhà trường đã phải cho hơn 400 học sinh nghỉ học. Mặc dù nhà trường đã triển khai nhiều biện pháp khắc phục, nhưng cũng không thể chống chọi được với cái lạnh buốt như cắt da, cắt thịt làm tê, cóng chân tay học sinh.


Rét buốt kéo dài khiến nhiều trường cho học sinh nghỉ học

Thầy giáo Trần Ngọc Hà - Hiệu Trưởng trường Tiểu học thị trấn Bắc Hà cho biết, thời tiết gần 1 tuần nay ở Bắc Hà diễn biến rất khắc nghiệt, các xã vùng cao khu vực thượng huyện chịu ảnh hưởng lớn hơn rất nhiều, vì nhiệt độ ở đây hạ xuống rất thấp, có thời điểm xuống 0 độ C. Hơn 100 học sinh và 16 cán bộ giáo viên của Trường phổ thông dân tộc bán trú trung học cơ sở Lùng Phình vừa ổn định công tác dạy học được 3,4 ngày sau đợt nghỉ tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014, dịp này việc học tập lại bị gián đoạn. Rét đậm, rét hại nhiều ngày làm cho mọi hoạt động của nhà trường phải dừng lại.

Thầy giáo Phạm Trung Thành - Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú trung học cơ sở Lùng Phình - huyện Bắc Hà cho biết, đợt rét đậm, rét hại lần này đã khiến cho hơn 20 trường học trên địa bàn huyện Bắc Hà, từ bậc mầm non đến THCS phải nghỉ học. Những ngày giá rét, phòng Giáo dục và đào tạo huyện đã chỉ đạo các trường học trên địa chủ động theo dõi tình hình thời tiết, điều chỉnh thời gian học sao cho học sinh không phải đến trường quá sớm. Bên cạnh đó là nhắc nhở học sinh mặc đủ ấm, không bắt buộc học sinh mặc đồng phục. Đặc biệt, các đơn vị trường học được chủ động quyết định cho học sinh mầm non và tiểu học nghỉ học khi thời tiết hạ xuống từ 10 độ C trở xuống và cho cả học sinh trung học cơ sở nghỉ học nhiệt độ từ 7 độ C trở xuống./.

Vũ Thắng/VOV-Tây Bắc


[Giáo dục -Tuổi trẻ - Tuyển sinh] - Sáng 16-2, khai hội tư vấn tuyển sinh

TTO - Từ 7g sáng 16-2, ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2014 tại TP.HCM diễn ra cả ngày ở Trường ĐH Bách khoa - ĐH Quốc gia TP.HCM (268 Lý Thường Kiệt, P.14, Q.10, TP.HCM) với nhiều hoạt động sôi nổi, hấp dẫn.


Gian tư vấn của các đơn vị, trường tham gia ngày hội đang được trang trí - Ảnh: Trần Huỳnh

Chiều 15-2, hơn 130 gian tư vấn của các đơn vị, trường tham gia ngày hội đã được trang trí hoàn tất. Dạo một vòng quanh các gian này đâu đâu cũng thấy những hình ảnh thật sinh động, bắt mắt được trang trí theo đặc trưng riêng của từng trường. Bên cạnh giới thiệu thông tin về trường, công tác tuyển sinh… các trường còn mang đến ngày hội nhiều mô hình, sản phẩm, thiết bị thí nghiệm thực hành để trình diễn ngay tại gian tư vấn của trường mình.

Để thêm phần sinh động tại gian tư vấn của mình, rất nhiều trường tham gia ngày hội cho biết sẽ tổ chức nhiều hoạt động vui chơi, “đố vui có thưởng”, những trò chơi theo phong cách của sinh viên để các bạn học sinh cảm nhận được phần nào đời sống sinh viên để tiếp thêm nghị lực cho thí sinh.

Thử sức với thi trắc nghiệm

Một trong những điểm đáng chú ý tại ngày hội là phần trắc nghiệm kiến thức và trắc nghiệm chọn ngành nghề theo năng lực và sở thích. Theo đó, học sinh có thể thao tác dễ dàng với hệ thống máy tính (40 máy do Bách khoa Computer hỗ trợ) kết nối Internet được bố trí sẵn tại sảnh hội trường A5 để học sinh khám phá năng lực bản thân và chọn ngành nghề phù hợp với sở thích của mình.

Phần mềm trắc nghiệm sở thích hơn 100 câu hỏi liên quan sở thích, khả năng và hạn chế của bản thân, những quan niệm về cuộc sống do nhóm nghiên cứu ĐH Quốc gia TP.HCM cung cấp sẽ giúp học sinh biết được mình phù hợp với ngành nghề nào. Học sinh chỉ cần điền đầy đủ, trung thực những điều liên quan đến mình theo nội dung câu hỏi, chương trình sẽ đưa ra kết quả bạn phù hợp với ngành nghề nào. Phần mềm sẽ liệt kê điểm chuẩn những năm trước của các trường và ngành mà kết quả trắc nghiệm đã chỉ ra để bạn tham khảo chọn trường nào phù hợp với sức học của mình.

Ở phần trắc nghiệm kiến thức, ban tổ chức đã cài sẵn phần mềm có chứa nội dung trắc nghiệm bốn môn vật lý, hóa học, sinh học, tiếng Anh sẽ giúp bạn tự kiểm tra lại kiến thức của mình. Kho đề thi với gần 1.000 bộ đề thi các môn được ban tổ chức đặt riêng các giảng viên uy tín tại TP.HCM thực hiện với nội dung, độ khó và thời gian như một đề thi tuyển sinh ĐH. Sau khi hoàn thành, chương trình sẽ cho biết câu nào làm đúng, câu nào sai, tổng số điểm bài làm là bao nhiêu. Bên cạnh đó, học sinh cũng có thể tham khảo đề thi các môn tự luận toán, văn, lịch sử, địa lý.


Các trường mang đến ngày hội nhiều mô hình, sản phẩm, thiết bị thí nghiệm thực hành để trình diễn ngay tại gian tư vấn của trường mình - Ảnh: Trần Huỳnh

Nhiều quà tặng thí sinh

Mỗi học sinh đến tham gia ngày hội sẽ được tặng một tờ Tuổi Trẻ, những thông tin về trắc nghiệm chọn ngành, chọn trường phù hợp với năng lực, sở thích của mỗi thí sinh và CD cẩm nang tuyển sinh điện tử…

Ban tổ chức cũng sẽ tặng các bạn thí sinh tham dự ngày hội tờ trắc nghiệm chọn ngành, chọn nghề do TS Lê Thị Thanh Mai (ĐH Quốc gia TP.HCM) biên soạn. Dựa vào bảng trắc nghiệm này, các thí sinh tự đánh giá trình độ, sở thích, sở trường... của mình, từ đó có thể lựa chọn được ngành, nghề phù hợp.

Hầu hết các trường tham gia ngày hội đều cho biết sẽ gửi tặng thí sinh những cẩm nang tuyển sinh “mini” của các trường... Đây là thông tin chính thức của các trường bao gồm thông tin mới nhất về tuyển sinh 2014, giới thiệu các ngành đào tạo, cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên cũng như môi trường học tập bậc ĐH, giúp thí sinh có cái nhìn chi tiết hơn về trường, ngành mà mình lựa chọn.


Ca sĩ Phương Vy sẽ hát khai mạc ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2014 tại TP.HCM. Ảnh: Gia Tiến.

CHƯƠNG TRÌNH CHI TIẾT NGÀY HỘI

I.Chương trình khai mạc – sân khấu A2

Từ 7g-8g30

Đón đại biểu, ổn định học sinh và khởi động chương trình

Văn nghệ: Ca sĩ Phương Vy, nhóm nhạc Rainbow Boys

Nghi thức khai mạc.

II. Chương trình tư vấn chuyên sâu

Sáng từ 8g30-11g30, chiều từ 13g30-16g30

·Sân khấu B2: Nhóm ngành khoa học tự nhiên - kỹ thuật - nông lâm (công nghệ thông tin, môi trường, điện tử, giao thông, xây dựng, dầu khí, công nghệ sinh học, dầu khí...)

Ban tư vấn:

1.TS Nguyễn Đức Nghĩa, phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM

2. PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng, phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM

3.PGS.TS Đỗ Văn Dũng, hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM

4. PGS.TS Nguyễn Văn Thư, hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM

5.PGS.TS Hồ Thanh Phong, hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM)

6.TS Nguyễn Kim Quang, phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM)

7.TS Lê Chí Thông, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM).

·Sân khấu A2: Nhóm ngành khoa học xã hội - quân đội - công an - y dược (sư phạm, báo chí, ngoại ngữ, ngữ văn, xã hội học, y đa khoa, dược, kỹ thuật y học, điều dưỡng...)

Ban tư vấn:

1. PGS.TS Trần Văn Nghĩa - phó cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục - Bộ GD-ĐT

2.TS Phạm Tấn Hạ, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH KHXH&NV - ĐH Quốc gia TP.HCM

3.Thạc sĩ Huỳnh Trương Lệ Hồng, phó trưởng ban đào tạo khoa điều dưỡng và kỹ thuật y học Trường ĐH Y dược TP.HCM.

4.Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Hà, phó trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch

5.Thạc sĩ Nguyễn Thanh Tùng, phó trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Văn hóa TP.HCM

6. Thiếu tá Trần Văn Tuấn, phó trưởng phòng phụ trách phía Nam - Cục Đào tạo - Bộ Công an

·Sân khấu B6: Nhóm ngành kinh tế - tài chính - ngân hàng - thương mại - luật (quản trị kinh doanh, ngoại thương, kế toán, kiểm toán, marketing, luật thương mại, quản trị luật...)

Ban tư vấn:

1.TS Trần Thế Hoàng, trưởng phòng quản lý đào tạo Trường ĐH Kinh tế TP.HCM

2.TS Vũ Thế Dũng, phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM)

3. Thạc sĩ Hứa Minh Tuấn, phó hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính - marketing

4. Thạc sĩ Lâm Tường Thoại, ĐH Quốc gia TP.HCM

5. Thạc sĩ Lê Văn Hiển, phó trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Luật TP.HCM

6. TS Phan Ngọc Minh, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM

·Sân khấu B4: Tư vấn tâm lý, gỡ rối hướng nghiệp - chọn lối vào đời (bạn băn khoăn gì trước mùa thi? Ngành nào? Nghề gì? Lựa chọn ra sao? Bạn đang gặp “vấn đề” về sức khỏe hoặc tâm lý?)

Ban tư vấn:

1. TS Đinh Phương Duy, chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục TP.HCM

2. TS Lê Thị Thanh Mai, trưởng ban công tác sinh viên ĐH Quốc gia TP.HCM

3. TS.BS Trần Thị Minh Hạnh, phó giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM

4. Ông Trần Anh Tuấn, phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM

5. TS Nguyễn Toàn, nguyên hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức.

III.Văn nghệ, giao lưu sinh viên ĐH & học sinh THPT

Từ 12g30 đến 13g30

Sân khấu B2: ĐH Bách khoa

Sân khấu A2: ĐH Quốc tế

Sân khấu B6: ĐH Kinh tế - luật

Sân khấu B4: ĐH Tài chính - marketing

IV.BK Open day - “Cùng bạn khám phá Bách khoa” tại sân khấu B1 từ 7g30

Trò chuyện cùng Ban tư vấn tuyển sinh ĐH Bách khoa

Tour tham quan phòng thí nghiệm, triển lãm mô hình, trưng bày sản phẩm công nghệ

Giao lưu sinh viên tiêu biểu, các câu lạc bộ sinh viên…

V.Khu vực gian tư vấn của các trường ĐH, CĐ, trung cấp từ 7g-17g

VI.Khu triển lãm và trắc nghiệm - sảnh hội trường A5

Trắc nghiệm trên máy tính chọn nghề theo năng lực - Thử giải đề thi ĐH, chọn nghề phù hợp

Triển lãm số liệu - thống kê điểm chuẩn các trường, xu hướng chọn nghề - chọn trường.

DANH SÁCH ĐƠN VỊ THAM GIA

KHU TƯ VẤN CÁC TRƯỜNG THÀNH VIÊNĐH QUỐC GIA TP.HCM:

1.TRƯỜNG ĐH BÁCH KHOA

2.TRƯỜNG ĐH KHOA HỌC TỰ NHIÊN

3.TRƯỜNG ĐH KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN

4.TRƯỜNG ĐH QUỐC TẾ

5.TRƯỜNG ĐH KINH TẾ - LUẬT

6.TRƯỜNG ĐH CÔNG NGHỆ THÔNG TIN

7.KHOA Y

8.VIỆN ĐÀO TẠO QUỐC TẾ

TRƯỜNG ĐH BÁCH KHOA (ĐHQG TP.HCM)

TRƯỜNG ĐH TÀI NGUYÊN & MÔI TRƯỜNG

TRƯỜNG ĐH GIAO THÔNG VẬN TẢI TP.HCM

TRƯỜNG ĐH GIAO THÔNG VẬN TẢI - CƠ SỞ II

TRƯỜNG ĐH CÔNG NGHIỆP THỰC PHẨM TP.HCM

TRƯỜNG ĐH KINH TẾ TP.HCM

TRƯỜNG ĐH SƯ PHẠM KỸ THUẬT TP.HCM

TRƯỜNG ĐH SÀI GÒN

TRƯỜNG ĐH THỂ DỤC THỂ THAO TP.HCM

TRƯỜNG ĐH NGÂN HÀNG TP.HCM

TRƯỜNG ĐH TÂN TẠO

TRƯỜNG ĐH MỞ TP.HCM

TRƯỜNG ĐH QUỐC TẾ (ĐHQG TP.HCM)

TRƯỜNG ĐH LAO ĐỘNG XÃ HỘI

TRƯỜNG ĐH LUẬT TP.HCM

TRƯỜNG ĐH DẦU KHÍ VIỆT NAM

TRƯỜNG ĐH TÀI CHÍNH – MARKETING

TRƯỜNG ĐH Y DƯỢC TP.HCM

TRƯỜNG ĐH NÔNG LÂM TP.HCM

TRƯỜNG ĐH CÔNG NGHỆ TP.HCM - HUTECH

TRƯỜNG ĐH KINH TẾ KỸ THUẬT BÌNH DƯƠNG

TRƯỜNG ĐH VIỆT ĐỨC

TRƯỜNG ĐH FPT

TRƯỜNG ĐH CÔNG NGHỆ SÀI GÒN

TRƯỜNG ĐH QUỐC TẾ HỒNG BÀNG

TRƯỜNG ĐH NGUYỄN TẤT THÀNH

TRƯỜNG ĐH DUY TÂN - ĐÀ NẴNG

TRƯỜNG ĐH BÌNH DƯƠNG

TRƯỜNG ĐH QUỐC TẾ SÀI GÒN

TRƯỜNG ĐH HOA SEN

TRƯỜNG ĐH QUỐC TẾ RMIT VIỆT NAM

TRƯỜNG ĐH BÀ RỊA - VŨNG TÀU

HỌC VIỆN HÀNH CHÍNH QUỐC GIA

HỌC VIỆN HÀNG KHÔNG VIỆT NAM

HỌC VIỆN CÔNG NGHỆBƯU CHÍNH VIỄN THÔNG

TRƯỜNG CĐ KỸ THUẬT CAO THẮNG

TRƯỜNG CĐ GIAO THÔNG VẬN TẢI III

TRƯỜNG CĐ ĐIỆN LỰC TP.HCM

TRƯỜNG CĐ KINH TẾ - KỸ THUẬT MIỀN NAM

TRƯỜNG CĐ NGHỀ CNTT ISPACE

TRƯỜNG CĐ QUỐC TẾ KENT

TRƯỜNG CĐ KINH TẾ - CÔNG NGHỆ TP.HCM

TRƯỜNG CĐ NGHỀ DU LỊCH SÀI GÒN

TRƯỜNG CĐ TÀI CHÍNH - HẢI QUAN

TRƯỜNG CĐ VĂN HÓA NGHỆ THUẬT & DU LỊCH SÀI GÒN

TRƯỜNG CĐ CÔNG THƯƠNG TP.HCM

TRƯỜNG CĐ CÔNG NGHỆ THÔNG TIN TP.HCM

TRƯỜNG CĐ KINH TẾ TP.HCM

TRƯỜNG CĐ NGHỀ KINH TẾ CÔNG NGHỆ TP.HCM

TRƯỜNG MAACVIET

TRƯỜNG ARENA MULTIMEDIA

TRƯỜNG APTECH

TRƯỜNG FPT ARENA

VIỆN ĐT.NGÔN NGỮ & NHÂN LỰC VIỆT-NHẬT

TRƯỜNG CÔNG NGHỆ BÁCH KHOA TPHCM

TRUNG CẤP Y DƯỢC KỸ THƯƠNG

TRUNG CẤP ĐẠI VIỆT TP.HCM

TRƯỜNG ĐÀO TẠO BAY VIỆT

ASIA PACIFIC UNIVERSITY

TRƯỜNG QUẢN LÝ KHÁCH SẠN VIỆT ÚC

TRUNG CẤP BẾN THÀNH

TCN DU LỊCH & KHÁCH SẠN KHÔI VIỆT

UNIVERSITY OF SOUTH WALES (UK)

UNIVERSITY OF SUNDERLAND

TỔ CHỨC ĐẠI HỌC PHÁP NGỮ

TƯ VẤN DU HỌC AH EDU LINKS

DU HỌC INEC

ERC INTERNATIONAL

TRUNG TÂM DAAD - DU HỌC ĐỨC

STUDYLINK INTERNATIONAL

DU HỌC QUỐC TẾ TÂN ĐẠI DƯƠNG

TƯ VẤN DU HỌC KHAI PHÚ

BANGKOK UNIVERSITY

PSB COLLEGE

TRUNG TÂM ĐÀO TẠO QUỐC TẾ (ITPC)

TỔNG ĐÀI THÔNG TIN TUYỂN SINH 1068

TƯ VẤN DU HỌC GSE - beo

TRẦN HUỲNH

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga:

Cử các chuyên gia giỏi nhất tham gia tư vấn

Bộ GD- ĐT đánh giá cao chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp của báo Tuổi Trẻ được tổ chức liên tục hơn mười năm qua. Đây là một trong những chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp thành công nhất, luôn cung cấp thông tin chính xác, kịp thời đến mọi thí sinh, hỗ trợ hiệu quả cho công tác thi tuyển sinh ĐH, CĐ hằng năm của Bộ GD-ĐT.

Chương trình đã không ngừng đổi mới, sử dụng các hình thức truyền thông đa dạng để thí sinh dù ở bất cứ nơi đâu cũng có thể tiếp cận được thông tin. Ngoài các thông tin tuyển sinh, trên báo Tuổi Trẻ luôn có những bài viết sắc sảo về ngành nghề, thị trường lao động... của các chuyên gia, giúp thí sinh định hướng được tương lai nghề nghiệp của mình.

Năm 2014, Bộ GD-ĐT tiếp tục đồng hành cùng báo Tuổi Trẻ và cam kết đưa đội ngũ chuyên gia tư vấn chuyên nghiệp, giàu kinh nghiệm nhất của Bộ GD-ĐT tham gia các ngày hội và chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp báo Tuổi Trẻ tổ chức. Tất cả những thắc mắc, băn khoăn của thí sinh đều có thể chuyển đến Tuổi Trẻ để được các thầy cô sẽ tư vấn, hỗ trợ nhằm giúp các em đạt được kết quả cao nhất trong mùa thi sắp tới.

NGỌC HÀ ghi


[Giáo dục -Tuổi Trẻ] - Tổ chức thi tuyển tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ

TTO - Bộ GTVT vừa thông báo việc thi tuyển Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam (TCĐB) theo đề án thi tuyển Tổng cục trưởng TCĐB được Bộ trưởng Bộ GTVT phê duyệt từ 12-2013.

Theo đó, đối tượng đăng ký dự thi là những người đang giữ chức vụ: Vụ trưởng thuộc Bộ, Phó Tổng cục trưởng TCĐB Việt Nam; Cục trưởng các Cục trực thuộc Bộ; Hiệu trưởng các trường đại học trực thuộc Bộ, Giám đốc Học viện Hàng không Việt Nam; Viện trưởng các Viện trực thuộc Bộ; Chủ tịch Hội đồng thành viên (Hội đồng quản trị), Tổng Giám đốc các Tổng công ty trực thuộc Bộ; Giám đốc các Sở GTVT.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường - tổ trưởng tổ giúp việc thực hiện đề án thi tuyển Tổng cục trưởng TCĐB- cho biết: người dự thi là công dân Việt Nam có 3 năm liên tục đạt loại hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên (2011-2013); đảm bảo tuổi bổ nhiệm không quá 55 đối với nam và không quá 50 với nữ. Các ứng viên có quá trình công tác trong lĩnh vực GTVT ít nhất 10 năm, đạt tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ ngạch chuyên viên chính hoặc tương đương trở lên, tốt nghiệp đại học phù hợp với lĩnh vực công tác…

Người dự thi sẽ được tuyển chọn qua hình thức thi viết về chương trình hành động phát triển TCĐB trong 10 năm tới theo hình thức tự luận, trên giấy thi theo quy định và không được phép sử dụng điện thoại, tài liệu dưới mọi hình thức trong quá trình làm bài. Thời gian làm bài trong 240 phút và bài viết chấm theo thang điểm 100. Phần thi thứ hai là bảo vệ chương trình hành động của mình theo hình thức thuyết trình và trả lời câu hỏi của Ban Giám khảo với thời lượng thuyết trình chương trình hành động không quá 45 phút; các ủy viên Ban Giám khảo đặt câu hỏi và người dự thi trả lời không quá 60 phút/người dự thi.

Thời gian nhận hồ sơ đăng ký dự thi từ 10-3 đến hết ngày 14-3-2014. Dự kiến thi tuyển vào tháng 4-2014.

TCĐB Việt Nam là cơ quan trực thuộc Bộ GTVT, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ GTVT quản lý nhà nước chuyên ngành GTVT đường bộ và thực thi nhiệm vụ quản lý nhà nước về GTVT đường bộ trong phạm vi cả nước. Hiện nay TCĐB có quyền tổng cục trưởng và 3 phó tổng cục trưởng. Trong đó, quyền tổng cục trưởng Nguyễn Đức Thắng sẽ nghỉ hưu theo chế độ vào cuối năm 2014.

TUẤN PHÙNG


[Giáo dục -Tuổi Trẻ] - 2.000 học sinh tiểu học dự hội Bé yêu mũ bảo hiểm

TTO - Ngày 15-2, tại trường Tiểu học Lê Lợi, quận Hà Đông, Hà Nội, hơn 2.000 học sinh của trường, đại diện học sinh của 5 trường tiểu học khác trong nội thành tham gia ngày hội Bé yêu mũ bảo hiểm với nhiều hoạt động ý nghĩa về an toàn giao thông.


Hồng Khanh – giọng ca của chương trình The Voice Kids, hát tặng các bạn bè trong ngày hội - Ảnh: Quang Phan

Đây là hoạt động nhằm hưởng ứng chiến dịch "Trẻ em cũng phải đội mũ bảo hiểm" do Quỹ Phòng Chống Thương Vong Châu Á, Bộ GD & ĐT, Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, Sở GD & ĐT Thành phố Hà Nội phối hợp tổ chức nhằm phổ biến kiến thức, những quy định cơ bản trong luật giao thông và tầm quan trọng của việc đội mũ bảo hiểm cho trẻ.

Chương trình mở đầu bằng màn đồng diễn đáng yêu của các em học sinh. Không chỉ thể, Bé yêu mũ bảo hiểm còn thực sự là một ngày hội của trẻ nhỏ khi tổ chức rất nhiều hoạt động vui chơi thiết thực và bổ ích.

Bên cạnh đó, các em còn có cơ hội giao lưu với nghệ sĩ nổi tiếng về an toàn giao thông, ghi nhớ các loại biển báo và học cách đội mũ bảo hiểm đúng cách. Tham gia ngày hội có sự góp mặt của ca sĩ Thái Thùy Linh, danh hài Thành Trung cùng 2 ca sĩ nhí của The Voice Kid là Hồng Khanh và Chiến Thắng.

Cô Vũ Thanh Hòa, giáo viên trường tiểu học Lê Lợi chia sẻ: “Đây là hoạt động rất và ý nghĩa, học sinh là những người nhỏ tuổi sẽ nắm bắt được và sau đó phổ biến lại cho bố mẹ. Chương trình được truyền thông và phổ biến rộng rãi, là cơ hội để nâng cao ý thức chấp hành luật lệ an toàn giao thông cho trẻ em cũng như các bậc phụ huynh”.

QUANG PHAN


[Giáo dục -Pháp luật TPHCM] - Mỹ: Siết chặt điều kiện lấy mẫu vân tay, võng mạc của học sinh

Nghị viện bang Florida vừa nhóm họp bàn biện pháp siết chặt việc sử dụng công nghệ nhận diện sinh trắc học qua dấu vân tay, lòng bàn tay, võng mạc, khuôn mặt, giọng nói… đối với học sinh nhằm bảo vệ quyền riêng tư cá nhân.

Động thái này bắt nguồn từ việc ngày càng nhiều hệ thống trường học trong bang Florida triển khai chương trình nhận diện sinh trắc học học sinh cho công tác điểm danh, đi xe đưa rước, ăn trưa, giám sát học sinh sử dụng thư viện và mọi hoạt động khác của học sinh ở trường… Việc này gặp nhiều tranh cãi. Nhiều ý kiến e ngại nguy cơ dữ liệu sinh trắc học bị rò rỉ hay bị lạm dụng, cần phải có chính sách đối xử hợp lý.

Qua mặt cả phụ huynh

Trong khi phần lớn trường học ở Mỹ chỉ yêu cầu học sinh cung cấp mã PIN riêng của mình khi vào nhà ăn thì năm 2011, hệ thống trường học hạt Pinellas, bang Florida là nơi đầu tiên ở Mỹ tiến hành lấy mẫu lòng bàn tay học sinh để nhận diện khi học sinh vào nhà ăn nhằm quản lý các học sinh thuộc diện ăn trưa có trợ cấp của chính phủ. Ông Art Dunham, Giám đốc bộ phận cung cấp thực phẩm cho hệ thống trường học hạt Pinellas, cho rằng nhận diện bằng lòng bàn tay giúp quy trình ăn trưa ở các trường học diễn ra gọn nhẹ hơn, giúp học sinh có nhiều thời gian để ăn hơn.

Theo ông Art Dunham, hiện chương trình này đang được áp dụng với khoảng 50.000 học sinh ở 17 trường THPT và 20 trường THCS trong hạt Pinellas. Dự kiến chương trình sẽ sớm được mở rộng thêm đến 60.000 học sinh ở 80 trường tiểu học trong hạt. Khoảng 2% số học sinh không tham gia chương trình.

Hệ thống trường học hạt Seminole (bang Florida) thì thu thập dấu vân tay của học sinh để nhận diện học sinh vào nhà ăn. Tuy nhiên, các trường trong hạt Seminole vừa ngưng chương trình này vì “vô ích” - theo lời người phát ngôn hệ thống trường học hạt này Michael Lawrence.

Năm 2009, hệ thống trường học tại hạt Polk (bang Florida) định triển khai chương trình nhận diện học sinh đi xe đưa rước bằng dấu vân tay nhưng không thực hiện được. Sau đó đành chọn biện pháp thay thế là phát cho học sinh thẻ đi xe. Năm 2013, các trường lại manh nha thực hiện chương trình nhận diện học sinh đi xe đưa rước bằng mẫu lòng bàn tay khi ngày càng nhiều học sinh làm mất hay bỏ quên thẻ đi xe.

Tháng 5-2013, nhiều bậc phụ huynh có con em theo học ở ba trường học hạt Polk đã rất bất bình và giận dữ khi biết được các trường này đã lấy mẫu võng mạc con em mình để nhận diện khi các em lên xe đưa rước mà không có ý kiến của họ.


Học sinh hạt Pinellas (bang Florida, Mỹ) nhận diện dấu vân tay tại nhà ăn. Ảnh: wordpress.com

Số là hội đồng giáo dục hạt Polk đã cho phép Công ty giải pháp an ninh Stanley Convergent, trực thuộc Công ty Stanley Black & Decker chuyên cung cấp các sản phẩm an ninh (Mỹ), lấy mẫu võng mạc của 750 học sinh theo học tại ba trường tiểu học và phổ thông trong hạt rồi mới thông báo cho phụ huynh. Theo trang web của Công ty giải pháp an ninh Stanley Convergent, tầm quan trọng của nhận diện bằng mẫu võng mạc chỉ đứng sau nhận diện bằng ADN. 750 mẫu võng mạc này sau đó bị hủy. Tin từ báo Lakeland Ledger của bang Florida.

Lo ngại rò rỉ

Bà Khaliah Barnes, Giám đốc Trung tâm Thông tin riêng tư điện tử - một tổ chức nghiên cứu vì lợi ích cộng đồng ở Mỹ, cho biết Luật Riêng tư và Các quyền giáo dục liên bang quy định các bậc cha mẹ có đầy đủ quyền đối với dữ liệu nhận diện sinh trắc học của con mình. Tuy nhiên, đến nay điều khoản này vẫn chưa được đối xử đúng mức ở các bang.

Theo bà Khaliah Barnes, việc các trường sử dụng các loại công nghệ nhận diện sinh trắc học như trên là không cần thiết và nguy hiểm vì các dữ liệu nhận diện thuộc dạng nhạy cảm, đặc biệt trong thời buổi thông tin rất dễ bị rò rỉ này. Các trường nên thay thế hình thức kiểm soát, quản lý học sinh bằng các công nghệ đơn giản hơn.

Trao đổi với báo Miami Herald (Mỹ), bà Mindy Gould, làm việc tại tổ chức hành động vì quyền lợi trẻ em Florida PTA, cũng cho biết không có gì thuyết phục rằng các dữ liệu nhận diện này sẽ an toàn, không rò rỉ.

Tuy nhiên, theo Miami Herald, các ý kiến này có thể sẽ gặp phản đối dữ dội từ các trường học. Ông Raquel Regalado, một thành viên hội đồng trường học quận Miami-Dade (bang Florida), vốn ủng hộ sử dụng công nghệ nhận diện sinh trắc học trong trường học, cho rằng bước đi này là phù hợp xu thế và giúp nhà trường chống lừa đảo hiệu quả.

Florida đi đầu hạn chế

Sau vụ lùm xùm tại hệ thống trường học hạt Polk lấy mẫu võng mạc học sinh mà không có ý kiến phụ huynh, chỉ trong vài tuần các nghị sĩ bang Florida đã đề xuất ba dự luật siết chặt việc lấy dữ liệu sinh trắc học ở trường học.

Ngày 24-9, thượng nghị sĩ bang Florida Dorothy Hukill đề xuất lên Thượng viện bang Florida dự luật SB 188, yêu cầu các trường học xây dựng và thực hiện các chính sách liên quan việc thu thập và sử dụng dữ liệu sinh trắc học của học sinh.

Các chính sách này phải giải thích rõ loại dữ liệu sinh trắc học sẽ thu thập, mục đích sử dụng, thu thập và lưu trữ như thế nào. Quy định rõ ai có quyền tiếp cận dữ liệu, dữ liệu được lưu trữ bao lâu.

Các trường phải hỏi ý kiến phụ huynh ít nhất 30 ngày trước khi lấy mẫu. Trường chỉ được thu thập khi có sự đồng ý bằng văn bản của cha mẹ học sinh, toàn bộ dữ liệu phải được mã hóa. Phụ huynh có quyền thay đổi quyết định đối với dữ liệu sinh trắc học con em bất cứ thời điểm nào (có cho trường sử dụng tiếp hay không, hoặc yêu cầu nhà trường hủy chúng).

Phải đảm bảo dữ liệu này chỉ sử dụng cho mục đích nhận diện học sinh của trường, không để cho bên thứ ba có được dữ liệu mà không có sự đồng ý của cha mẹ học sinh. Dữ liệu phải được hủy trong vòng 30 ngày kể từ khi học sinh thôi học ở trường.

Việc cung cấp mẫu nhận diện sinh trắc học là tự nguyện. Trường không được phân biệt đối xử đối với học sinh không tham gia cung cấp mẫu nhận diện.

Ngoài ra, dự luật cũng có điều khoản cấm các trường thu thập thông tin về khuynh hướng chính trị hay tôn giáo của học sinh, lịch sử bỏ phiếu, tình hình sức khỏe của cha mẹ hay anh chị em học sinh.

Dự luật SB 232 thượng nghị sĩ Dorothy Hukill tiếp tục đề xuất sau đó không lâu tiến thêm một bước khi cấm trường học thu thập dữ liệu sinh trắc học của học sinh dù bất cứ mục đích nào.

Cuối tháng 10-2013, hạ nghị sĩ Jake Raburn cũng đề xuất lên Hạ viện bang Florida dự luật HB 195 có nội dung tương tự dự luật SB 188 của thượng nghị sĩ Dorothy Hukill.

Việc trường học nhận diện sinh trắc học học sinh không chỉ diễn ra ở bang Florida mà cả nhiều nơi ở Mỹ. Nhiều trường học ở các bang Maryland, Louisiana, Mississippi, South Carolina cũng triển khai chương trình nhận diện học sinh vào nhà ăn qua mẫu lòng bàn tay. Động thái nghị viện bang Florida nhóm họp xem xét ba dự luật liên quan vấn đề này thu hút rất nhiều sự quan tâm. Có thể thấy kết quả từ kỳ họp này có thể sẽ là tiền đề cho các địa phương khác nhìn theo mà hành động.

THIÊN ÂN (Theo Miami Herald)

Theo Miami Herald, động thái nghị viện bang Florida họp bàn dự luật siết chặt nhận diện sinh trắc học đối với học sinh một phần cũng phục vụ mục đích chính trị. Để tranh thủ sự ủng hộ, trong quá trình vận động tái cử, Thống đốc Florida Rick Scott đã cam kết đảm bảo an toàn thông tin của học sinh là một ưu tiên hành động trong năm 2014. Đầu tháng 2, Thống đốc Rick Scott tuyên bố sẽ hành động chấm dứt tình trạng các trường thu thập thông tin học sinh không cần thiết.